Trong thời gian gần đây, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank đã thông báo bán nhiều khoản nợ hàng trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ của doanh nghiệp.
Mới đây, BIDV thông báo đấu giá khoản nợ của hai công ty, gồm CTCP Thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và Công ty TNHH Hoàng Nhi, giá khởi điểm là hơn 1.016 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ bao gồm nhà máy thủy điện Đắk Psi công suất 18MW, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại khu công nghiệp Trà Đa, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cùng 14 bất động sản khác tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Ngoài ra, khoản nợ này còn được bảo đảm bởi hơn 70 hệ thống, máy móc thiết bị, xe chuyên dùng, xe ô tô, xe tải các loại. Khoản nợ cũng được đảm bảo bằng quyền đòi nợ đối với CTCP Thủy điện Nước Chè số tiền 250,4 tỷ đồng và tài sản còn là 17,86 triệu cổ phiếu CTCP thủy điện Đức Nhân – Đăk Psi (chưa niêm yết) và 24,541 triệu cổ phiếu CTCP thủy điện Nước Chè (chưa niêm yết).
BIDV cũng thông báo bán toàn bộ khoản nợ của CTCP Công nghiệp Khai thác Chế biến đá Tây Nguyên, với tổng dư nợ tạm tính đến hết ngày 11/5/2023 là 120,9 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc 85,5 tỷ đồng, dư nợ lãi trong hạn và lãi phạt quá hạn: 33,4 tỷ đồng.
Khoản nợ này được đảm bảo bởi 3 tài sản gồm: quyền sử dụng 4.086 m2 đất tại phường An Lạc, quận Bình Tân, Tp.HCM; quyền đòi nợ khối lượng xây lắp hợp đồng thi công xây dựng thuộc khách sạn Mỹ Khê Đà Nẵng thuộc hợp đồng với Công ty TNHH Đức Long Dung Quất; và 400.000 cổ phiếu của CTCP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai (nay là CTCP Tập đoàn Alpha Seven – DL1) thuộc số dư tài khoản của ông Nguyễn Tuấn Vũ.
BIDV cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Điền với giá khới điểm hơn 236 tỷ đồng.
Agribank thông báo bán toàn bộ khoản nợ xấu của khách hàng Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú với giá khởi điểm hơn 137 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đăng bán khoản nợ hơn 124 tỷ đồng của Công ty TNHH Đầu tư – Thương mại – Dịch vụ Phương Thành Công, với tài sản bảo đảm là một loạt bất động sản của Bình Dương.
VietinBank – Chi nhánh Ngô Quyền đang lựa chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá khoản nợ hơn 183 tỷ đồng của Công ty Sản xuất thép Úc SSE và khoản nợ gần 306 tỷ đồng Công ty Cổ phần Thép Nam Thuận. VietinBank không bán riêng từng khoản nợ mà chỉ chấp thuận bán đồng thời cả 2 khoản nợ với tổng giá bán khởi điểm là gần 399 tỷ đồng
Ngân hàng này cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH SP BIO Energy, tính đến ngày 10/5 tổng dư nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng là hơn 56,1 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là hơn 35.000 m2 nhà xưởng, văn phòng phục vụ sản xuất gỗ tại KCN Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tài sản đảm bảo cũng bao gồm hệ thống máy móc, xe ô tô, hàng tồn kho, quyền đòi nợ Công ty TNHH SP Bio Energy,… Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra là 39,1 tỷ đồng, tương đương với số dư nợ gốc.
Cuối tháng 4, Sacombank tiếp tục thông báo bán một loạt khoản nợ xấu giá trị hàng trăm, nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp.
Cụ thể, ngân hàng này chào bán đấu giá khoản nợ hơn 121 tỷ đồng của Công ty cổ phần Ngọc Sương, khoản nợ hơn 596 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát; khoản nợ gần 474 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Kim Kim Hoàn Mỹ; khoản nợ gần 195 tỷ đồng của Doanh nghiệp tư nhân Thương Mại Vận Tải Lan Anh; khoản nợ hơn 670 tỷ của Công ty Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 và Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc Anpha; khoản nợ 596 tỷ của Công ty CP đầu tư Địa ốc Vạn Phát.
Ngoài ra, Sacombank cũng tiếp tục chào bán tài sản bán đấu giá là toàn bộ 18 khoản nợ được bán không tách rời, được đảm bảo bằng quyền tài sản tại Dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP.HCM) theo nguyên trạng khoản nợ, bao gồm chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ của chủ nợ liên quan đến các khoản nợ và toàn bộ quyền, nghĩa vụ của bên nhận đảm bảo đối với các tài sản đảm bảo khoản nợ này.
Đây là khoản nợ phát sinh tại Sacombank và được bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC đã ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.
Tổng dư nợ của các khoản nợ này tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 11.061 tỷ đồng.
Nợ xấu ngân hàng tăng nhanh
Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán cho thấy, tổng số dư nợ xấu nội bảng của tại thời điểm 31/3/2022 ở mức hơn 170.000 tỷ đồng, tăng 24% so với hồi đầu năm. Trong đó, 24/27 ngân hàng số dư nợ xấu nội bảng gia tăng.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%).
Tại Hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Dự thảo Luật các TCTD” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 17/5, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái.
Những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, như mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể sau quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay vẫn ở mức cao do thực tế tốc độ huy động vốn vẫn tăng trưởng thấp hơn tín dụng.
Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng;
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực…
Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.
“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng nói.
Do vậy theo ông Hùng, Quốc hội trước khi thông qua các dự thảo Luật nên lắng nghe ý kiến từ các cử tri bộ ngành các tổ chức chính trị xã hội ngành nghề và chính các doanh nghiệp, rà soát các liên quan để ban hành luật sửa đổi phù hợp với thực tiễn.
(Nhịp sống Thị trường)