Chủ nhân sở hữu tấm thẻ đen quyền lực có rất nhiều đặc quyền, đặc lợi mà ngân hàng và các đối tác của họ cung cấp.
Thẻ đen quyền lực – từ chung để chỉ tấm thẻ dành cho khách hàng VIP, VVIP của các ngân hàng. Chủ nhân sở hữu tấm thẻ đen quyền lực có rất nhiều đặc quyền, đặc lợi mà ngân hàng và các đối tác của họ cung cấp. Những tấm thẻ đen quyền lực này được các ngân hàng phát hành rất hạn chế, chỉ những khách hàng đáp ứng đủ các tiêu chí mới được phát hành.
Nói là thẻ đen quyền lực, tuy vậy nó không hẳn là mau đen, cũng không mang tên Thẻ đen, mỗi ngân hàng, tùy theo phong cách, có những màu sắc, tên gọi hoàn toàn khác nhau, và điều kiện mở thẻ cũng như những đặc quyền dành riêng cũng hoàn toàn khác nhau.
Những đặc quyền nhiều người ước
Phòng chờ VIP sân bay: Một trong những đặc quyền mà chủ thẻ đen quyền lực này có, gần như các ngân hàng đều áp dụng, là đặc quyền sử dụng phòng chờ VIP tại sân bay. Tuy vậy có ngân hàng ưu tiên cho duy nhất chủ thẻ, cũng có ngân hàng còn dành quyền lợi phòng chờ VIP cho thêm 1 người đi kèm chủ thẻ.
Hoàn tiền chi tiêu: Đặc quyền tiếp theo cũng có nét tương đồng giữa các ngân hàng là lợi ích hoàn tiền, tuy vậy mỗi ngân hàng mỗi khác. Vietcombank ưu tiên những chi tiêu cho y tế, giáo dục với tỷ lệ hoàn tiền cao hơn các chi tiêu khác với tỷ lệ hoàn tiền đến 10%, tối đa 300.000 đồng/tháng. Trong khi đó HDBank hoàn tiền 15% cho giá trị mua sắm hàng hóa với giá trị tối thiếu 100.000 đồng với giá trị tối đa 300.000 đồng/tháng và hoàn tiền 0,5% cho các chi tiêu y tế, giáo dục, bảo hiểm với giá trị tối đa 500.000 đồng/tháng…
Hạn mức chi tiêu cũng là điều mà nhiều khách hàng quan tâm. Thẻ Diamond World Lady của VPBank có hạn mức giao dịch lên đến 300 triệu đồng/tháng. Trong khi đó Techcombank lại ưu đãi phí giao dịch ngoại tệ thấp nhất trong các dòng thẻ tín dụng hiện nay – chỉ 1,2% và hoàn tiền 5% không giới hạn cho các chi tiêu trong nước. MB là ngân hàng có đặc quyền về hạn mức chi tiêu lớn nhất, đến 1 tỷ đồng.
Bảo hiểm du lịch cũng là đặc quyền khác biệt của chủ thẻ đen quyền lực. Sở hữu tấm thẻ VIP của Techcombank, khách hàng được bảo hiểm du lịch toàn cầu cho chủ nhân và người thân lên đến 10,5 tỷ đồng…
Làm thế nào để sở hữu một tấm thẻ đen quyền lực?
Mỗi ngân hàng sẽ có những điều kiện tiêu chuẩn để định danh khách hàng VIP.
Vietcombank (VCB) – Thẻ tín dụng Vietcombank Priority Signature
Thẻ đen quyền lực nhất của Vietcombank (VCB) mang tên Vietcombank Priority Signature – là tấm thẻ màu đen huyền bí, phía trên khắc nổi hình con rồng màu ánh vàng. Khách hàng của Vietcombank đáp ứng 1 trong 5 tiêu chí:
- Tiền gửi (tiền gửi bình quân trong 12 tháng gần nhất tối thiếu 2 tỷ đồng hoặc cam kết duy trì số dư 2 tỷ đồng trong 6 tháng tiếp theo từ ngày định danh);
- Tiền vay: Khách hàng có dư nợ tiền vay bình quân tối thiếu 3 tỷ đồng trong 12 tháng gần nhất hoặc cam kết duy trì số vay nợ 3 tỷ đồng trong 6 tháng tiếp theo.
- Với khách hàng Platium hiện hữu: Tổng doanh số chi tiêu thẻ tín dụng trong 12 tháng liền trước đó đạt 150 triệu đồng trở lên.
- Thu nhập: Khách hàng có mức thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng/tháng trong 12 tháng liền kề trước đó.
- Tổ hợp tiền gửi, tiền vay, thẻ – là tiêu chí tổng hợp của các tiêu chí trước đó.
Với HDBank (HDB) – Thẻ tín dụng HDBank Priority Visa Signature
Tấm thẻ HDBank Priority Visa Signature có màu tím bí ẩn với chữ nổi màu vàng kiêu sa, kèm những tia sáng lấp lánh của mặt trời. Sở hữu tấm thẻ HDBank Priority, bạn trở thành “khách hàng đặc biệt” với chế độ phục vụ như một “thượng đế”: tận hưởng đặc quyền, gia tăng lợi ích”. Điều kiện để là chủ nhân tấm thẻ quyền lực này của HDBank cũng có khác biệt:
- Tổng tài sản tại HDBank bình quân 3 tháng gần nhất từ 2 tỷ đồng.
- Số dư tiền gửi tiết kiệm mở mới kỳ hạn 3 tháng trở lên từ 2 tỷ đồng.
- Phát sinh hợp đồng bảo hiểm có mức phí từ 100 triệu đồng/năm.
- Có vợ/chồng/bố/mẹ đang làm Khánh hàng đặc biệt của HDBank.
HDBank cho biết HDBank Priority ra đời với sứ mệnh mang đến cho khách hàng và gia đình những trải nghiệm chất lượng đầy thú vị, chạm đến đỉnh cao của sự viên mãn và thịnh vượng bền vững. Đây cũng là lý do HDBank dành cả sự ưu tiên cho người thân của chủ thẻ.
Đối với Techcombank (TCB) – Thẻ tín dụng Techcombank Priority
Để được là khách hàng Priority, chủ sở hữu cần:
- Duy trì số dư tài khoản bình quân 3 tháng liên tiếp gần nhất từ 1 tỷ đồng trở lên.
- Có tổng giá trị quan hệ tài chính với Techcombank (dư tài sản, dư nợ tín dụng) đạt 2 tỷ đồng trở lên tại thời điểm xếp hạng hội viên.
- Có tiền gửi tiết kiệm mới kỳ hạn từ 3 tháng đạt 1 tỷ đồng trở lên.
- Có số dư sản phẩm đầu tư đạt 1 tỷ đồng trở lên.
Với chủ nhân của thẻ Techcombank Priority, những đặc quyền ưu tiên cũng có nhiều khác biệt khi khách hàng được chăm sóc riêng bởi chuyên viên quan hệ khách hàng ưu tiên, được tư vấn quản lý tài chính… Ngoài ra, tối đa 3 người thân của khách hàng Priority được nhận đặc quyền tương đương về ưu đãi giá phí & dịch vụ ưu tiên giao dịch.
Ngân hàng quân đội MB (MBB)
Điều kiện để được phát hành có lẽ là “dễ” nhất trong số các ngân hàng.
Tuổi: điều kiện tối thiểu về tuổi là 18.
- Thu nhập: Ngoài ra khách hàng cần có mức thu nhập hàng tháng tối thiểu từ 5 triệu đồng trở lên.
- Nơi sinh sống: Điểm khó nhất có lẽ là nơi sinh sống, MB yêu cầu khách hàng đáp ứng được điều kiện là làm việc thuộc địa bàn có chi nhánh/phòng giao dịch của ngân hàng MBbank.
Điều kiện dễ, nhưng đặc quyền của MB lại vô cùng lớn. Ngoài việc là tấm thẻ có hạn mức chi tiêu lớn nhất, đến 1 tỷ đồng, thì chủ thẻ MB Priority có quyền cầu phát hành thêm 8 chiếc thẻ phụ tùy theo nhu cầu của mình.